Ngọc trúc trong y học cổ truyền là vị thuốc tính hàn, vị ngọt, vào phế, vị. Có tác dụng tư âm nhuận phế, sinh tân dưỡng vị, trừ phiền chỉ khát.
Giới thiệu về cây ngọc trúc :
Ngọc trúc còn có tên là nữ ủy, là thân rễ phơi hay sấy khô của cây ngọc trúc. Ngọc trúc chứa các glucosid convallamarin và convallarin, sinh tố A và tinh bột, chất nhầy. Theo Đông y, ngọc trúc vị ngọt, tính hơi hàn; vào phế, vị. Có tác dụng tư âm nhuận phế, sinh tân dưỡng vị, trừ phiền chỉ khát. Trị các chứng phế âm hư, vị âm hư, có ho khan do phế táo, sốt, khát, đái dắt, trợ tiêu hoá. Hằng ngày dùng 9 – 20g bằng cách nấu, hầm, xào, nướng.
Cây ngọc trúc
Những bài thuốc trị bệnh từ ngọc trúc:
– Tư âm nhuận phế: Trị các chứng âm hư nội nhiệt, hoặc bệnh nhiệt phạm đến phần âm, sốt ho khan, miệng khô, đau họng.
Bài 1: ngọc trúc 12g, hành sống 3 cây, cát cánh 6g, bạch vị 4g, đậu xị 16g, bạc hà 6g, chích thảo 3g, hồng táo 2 quả. Sắc uống. Trị âm hư, cảm mạo.
Bài 2: Thang ngọc trúc mạch môn đông: ngọc trúc 16g, sa sâm 12g, mạch môn đông 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị chứng phổi và dạ dày khô nóng phạm đến phần âm, họng khô, miệng khát.
– Sinh tân dưỡng vị: Trị chứng phế vị táo nhiệt (phổi và dạ dày khô nóng), tân dịch khô, miệng khát, dạ dày rất nóng, ăn nhiều chóng đói. Dùng Thang ích vị: sa sâm 16g, sinh địa 20g, ngọc trúc 12g, mạch đông 12g. Sắc uống. Trị sốt cao cuối kỳ còn sốt lai rai, họng khô, miệng khát.
– Nhuận phế chỉ khái: Trị chứng phổi khô nóng sinh ho, họng khô, đờm đặc không khạc ra được.
Bài 1: Ngọc trúc 20g, sa sâm 8g, ý dĩ nhân 16g. Sắc uống. Trị ho lao, ho khan, đờm ít.
Bài 2: Thang sa sâm mạch đông: sa sâm 12g, mạch môn 12g, ngọc trúc12g, thiên hoa phấn 12g, tang diệp 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị chứng phế vị táo nhiệt, ho khan ít đờm, họng khô, miệng khát. Nếu trong người nóng quá thì thêm địa cốt bì 12g.
– Những bài thuốc hỗ trợ tim mạch
Bài 1: Ngọc trúc 12g, đương quy 12g, tần cửu 12g, cam thảo 12g. Sắc uống liền trong 1 tuần. Trị thấp tim.
Bài 2: Ngọc trúc 12g, mạch môn 12g, bách hợp 12g, thạch hộc 12g. Sắc uống liền trong 1 tuần. Phòng nhiễm bệnh bạch hầu và viêm cơ tim.
Bài 3: Cao sâm trúc: Đảng sâm 12g, ngọc trúc 20g. Sắc uống. Phòng và điều trị bệnh đau do co thắt mạch vành.
Món ăn bài thuốc có chứa ngọc trúc:
Nhựa mận vịt ngọc trúc: ngọc trúc 50g, sa sâm 50g, vịt 1 con, hành tây 1 củ, gừng tươi 6g. Vịt làm sạch, cho vào nấu với sa sâm, ngọc trúc, đầu tiên đun to lửa cho chín, sau cho nhỏ lửa tiếp trong 1 giờ cho chín nhừ, lấy nước bỏ bã thuốc, cho gia vị. Thích hợp cho người bệnh thái đáo đường, viêm teo niêm mạc dạ dày, suy nhược, táo bón.
Thịt lợn hầm ngọc trúc: thịt lợn 200g thái lát, ngọc trúc 15 – 30g. Hầm nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho người ho khan dài ngày.
Canh ngọc trúc
Tim lợn tiềm ngọc trúc: tim lợn 500g, ngọc trúc 50g, gừng tươi 10g, hành sống 10g. Ngọc trúc nấu lấy nước bỏ bã. Cho nước, gừng, hành, ớt tươi và tim lợn vào nồi luộc chín, đổ nước ngọc trúc vào, đun cho tim lợn chín nhừ và nước cạn dần, thêm gia vị muối mắm, đường trắng, bột ngọt, đun tiếp thành nước canh đặc. Thích hợp cho người bệnh mạch vành, đái tháo đường, lao phổi.
Cháo ngọc trúc: ngọc trúc 30g, gạo tẻ 80 – 100g. Ngọc trúc nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo nấu cháo, khi ăn thêm đường trắng. Dùng cho người ho khan dài ngày (phế âm hư) hoặc sau sốt cao miệng khô rát họng (vị âm hư).
Thịt dê hầm ngọc trúc: ngọc trúc 20g, thịt dê nạc 200g, gia vị thích hợp, muối vừa đủ, hầm cách thuỷ. Tác dụng bổ huyết dưỡng âm. Tốt cho thời kỳ dưỡng bệnh, người sau đẻ, âm hư huyết hư, suy nhược sút cân, mỏi mệt mất sức.
Kiêng kỵ: người đầy trướng bụng, đàm thấp (ho nhiều đờm, tiêu chảy lỏng lỵ) không dùng. Khi chế biến nấu ăn không dùng đồ sắt (dao, nồi sắt).
Nguồn : SKDS