Quế không chỉ là gia vị dùng để nấu nướng mà còn là vị thuốc đông y có tác dụng điều hòa đường huyết đối với những người mắc bệnh tiểu đường
- Những loại Thảo Dược mạnh hơn thuốc kháng sinh
- Cây cúc tần – Vị thuốc Đông y chữa bệnh trĩ hiệu quả
- Màng mề gà vị thuốc Đông y quý giá
Nguồn gốc của Quế – Vị thuốc Đông y
Quế là một loại cây to thuộc chi Cinnamomum C., họ Long não (Lauracae). Trên thị trường, tuỳ theo nguồn gốc, người ta thường phân quế làm ba loại. Quế Thanh Hoá hoặc quế Thanh của Việt Nam (C. Loureirii Nees), quế Srilanka (C. Zeylanicum Nees), và Nhục quế của Trung Quốc (C. Cassia Blume).
Ở nước ta, quế Thanh được trồng hoặc mọc hoang ở khắp các vùng rừng núi miền Bắc và miền Trung. Quế Thanh của Việt nam được đánh giá rất cao và đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Quế làm thuốc là vỏ phơi khô của những thân cây quế. Vỏ quế được bóc tách trên thân những cây quế to, lâu năm vào những tháng 4, 5 hoặc tháng 9, 10 để dễ thu hoạch và vỏ quế có nhiều tinh dầu, nhiều hoạt chất.
Theo Đông y, nhục quế là chỗ gần gốc, rất dày, để chữa chứng bệnh ở hạ tiêu. Quan tức là phần giữa, dày vừa, để chữa bệnh ở trung tiêu. Chi tức là chỗ đầu cành nhỏ để chữa bệnh thượng tiêu, đó là căn cứ vào lẽ: Trời thì dẫn tới trên, đất thì vào phần dưới.
Dược tính và công dụng của quế theo Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, quế có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, vào hai kinh Can, Thận. Quế có tác dụng bổ Mệnh môn hoả, trị tay chân co quắp, đau lưng mỏi gối, các chứng thủy thủng, đi tiêu lỏng, kinh bế do hàn, các chứng viêm thận mãn tính, suy nhược sinh dục do Tỳ, Thận Dương hư. Ngoài ra, cành nhỏ của quế thường gọi là quế chi còn được dùng để phát tán phong hàn hoặc trị đau nhức ở chân tay.
Đối với Tây y, quế hoặc tinh dầu quế có tác dụng kích thích tiêu hoá, kích thích hô hấp và cả tuần hoàn huyết. Quế còn làm co mạch, làm tăng sự bài tiết và tăng nhu động ruột. Tinh dầu quế còn có tính sát trùng. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học phương Tây đang quan tâm đến giá trị hữu ích của quế trong việc điều trị những hội chứng về chuyển hoá.
Y học hiện đại chứng minh Quế có tác dụng ổn định đường huyết
Một nghiên cứu ở Bệnh viện trường Đại học Malmo ở Thuỵ Điển cho thấy chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ quế là có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Tiến sĩ Joana Hlebowicz và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm với 14 người tình nguyện và kết luận rằng có thể quế đã có tác dụng làm chậm quá trình chuyển thức ăn từ dạ dày vào ruột. Cuộc thí nghiệm kéo dài 40 ngày trên những người bệnh tiểu đường type 2 đã cho thấy cả lượng đường và độ cholesterol trong máu đều ổn định.
Vào đầu tháng 01/2007, những nhà khoa học thuộc trường Đại học Công Nghệ Malaysia cũng đã công bố báo cáo về một cuộc nghiên cứu kéo dài ba năm, cho thấy quế có kết quả tốt trong việc điều trị bệnh tiểu đường type 2. Tiến sĩ Mohammad Rojo cho biết ở những người bệnh tiểu đường, tế bào đã mất đi khả năng đáp ứng với insulin và quế có tác dụng điều hoà khả năng của cơ thể trong việc sử dụng đường trong máu.
Năm 2003, một cuộc thí nghiệm trong vòng 40 ngày với 60 người mắc bệnh đái tháo đường type 2 ở Pakistan cũng cho thấy dùng quế có thể giúp cải thiện việc chuyển hoá chất đường và cả chất mỡ trong cơ thể. Kết quả chỉ ra rằng nếu sử dụng 1g quế mỗi ngày chia làm 2 lần, mỗi lần 0,5g, sẽ giúp hạ thấp lượng đường trong máu đồng thời làm giảm triglycerides (một loại mỡ trong máu), LDL (cholesterol xấu) và cả cholesterol toàn phần.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo không nên lạm dụng quế. Với liều cao nó có thể có độc tính.