Phương pháp đông y được nhiều người lựa chọn khi xuất hiện tình trạng hoa mắt chóng mặt đột ngột. Tùy từng thể bệnh mà áp dụng bài thuốc điều trị tương ứng.
Theo Đông y, chứng hoa mắt chóng mặt được gọi chung là “huyễn vựng”. Nguyên nhân gây bệnh do khí huyết hư suy, công năng vận hóa của tạng tỳ (chức năng tiêu hóa) bị suy yếu hoặc do âm dương trong cơ thể mất cân bằng, không đủ sức cân bằng, khống chế can dương (phần dương trong tạng can), khiến cho “can phong nội động”.
Theo bác sĩ Hoài Anh giảng viên Cao đẳng Y dược Sài Gòn, chóng mặt hoa mắt có thể mắc phải một số bệnh nội khoa, như thiếu máu, cao huyết áp, xơ cứng động mạch não, hoặc một số chứng bệnh tai trong (viêm tai giữa, bệnh Meniere,…), cảm cúm, trúng độc,…
Tùy từng thể bệnh mà thầy thuốc, bác sĩ áp dụng bài thuốc phù hợp, cụ thể như sau:
Thể khí huyết suy nhược
Biểu hiện Thể khí huyết suy nhược: Vận động mạnh một chút là cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Tinh thần uể oải, người mệt mỏi, hơi thở yếu, sắc diện không tươi, môi và móng chân tay nhợt nhạt, ngại nói, tim đập dồn, loạn nhịp từng cơn, tóc khô, ngủ ít, ăn uống kém, bụng đầy, chất lưỡi bệu rìa có vết răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược (nhỏ yếu).
Phép chữa: Bổ dưỡng khí huyết, kiện tỳ khai vị.
Bài thuốc: Đẳng sâm 12g, đương quy 12g, phục thần 10g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, long nhãn 9g, viễn chí 6g, đại táo 7 trái, cam thảo 6g, toan táo nhân 12g, mộc hương 9g.
Gia giảm: Nếu người và chân tay lạnh, bụng đau âm ỉ, gia can khương 6g, quế chi 9g, để ôn trung trợ dương; huyết hư nặng (thiếu máu nặng) gia a giao 9g (hòa tan vào nước thuốc), thục địa 12g; mặt nhợt nhạt, thần sắc bơ phờ, đại tiện lỏng, gia sài hồ 9g, thăng ma 9g, trần bì 9g, để thăng thanh giáng trọc (điều hòa sự thăng giáng của khí).
Cách dùng: Sắc uống ngày một thang, uống liền trong 10 ngày là một liệu trình, nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục liệu trình mới.
Thể đàm thấp
Biểu hiện Thể đàm thấp: Bỗng nhiên chóng mặt hoa mắt, chân tay đau nhức, người nặng nề, tinh thần uể oải, đầu óc mơ màng, ngực đầy tức, ăn kém, ngủ nhiều,lợm giọng, nôn mửa, lưỡi bệu, rêu lưỡi cáu bẩn, nhu hoạt hoặc mạch huyền hoạt.
Phép chữa: Táo thấp khu đàm, bình can tức phong.
Bài thuốc đông y: Bán hạ 9g, thiên ma 12g, phục linh 12g, bạch truật 15g, trần bì 6g, cam thảo 6g.
Gia giảm: Nếu chóng mặt hoa mắt nặng, nôn liên tục thì gia sinh khương 3 lát, trúc nhự 9g, để giáng nghịch chỉ ẩu (chống nôn); ngực bụng đầy tức, không muốn ăn gia khấu nhân 3g, sa nhân 3g để điều hòa tỳ vị; tai ù nặng, uất kim 12g, thạch xương bồ 12g, thêm thông bạch (hành) 2 cây, để thông dương khai khiếu; đau đầu, bồn chồn, miệng đắng gia hoàng cầm 12g, hoàng liên 3g để tiết nhiệt hóa đàm.
Cách dùng: Sắc uống ngày một thang, uống liền trong 10 ngày là một liệu trình, nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục liệu trình mới.
Thể can phong nội động
Biểu hiện Thể can phong nội động: Hoa mắt, chóng mặt, thính lực giảm, tai ù, trong tai có tiếng như ve kêu, mặt đỏ bừng từng cơn, đau đầu, bồn chồn, dễ cáu giận, ngủ ít, miệng đắng, mộng nhiều. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền. Mỗi khi làm việc nặng nhọc hoặc có chuyện phiền não là bệnh lại phát tác nặng hơn.
Phép chữa: Bình can tiềm dương.
Bài thuốc: Thiên ma 12g, ngưu tất 12g, tang ký sinh 12g, câu đằng 15g, thạch quyết minh 30g, đỗ trọng 12g, sơn chi 9g, hoàng cầm 12g, cúc hoa 9g.
Gia giảm: Nếu chóng mặt hoa mắt kèm theo đại tiện táo gia đại hoàng 9g; trường hợp tê bì chân tay, nôn hoặc buồn nôn gia mẫu lệ 30g.
Cách dùng: Sắc uống ngày một thang, uống liền trong 10 ngày là một liệu trình, nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục liệu trình mới.
Tuy nhiên, các bác sĩ giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền lưu ý, các thông tin trên không thay thế cho lời khuyên của thầy thuốc, bác sĩ; người bệnh cần đến cơ sở y tế nếu cảm thấy sức khỏe bản thân đang đi xuống.