Danh mục
Điều trị thoát vị đĩa đệm theo Y học cổ truyền  Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng như: thoái hóa đĩa đệm cột sống, thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt thân đốt sống, loãng xương…, trong đó nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng rất thường gặp. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bệnh lý tại cột sống, trong ...
Trang chủ > Bài Thuốc Y Học Cổ Truyền > Điều trị thoát vị đĩa đệm theo Y học cổ truyền

Điều trị thoát vị đĩa đệm theo Y học cổ truyền

 Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng như: thoái hóa đĩa đệm cột sống, thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt thân đốt sống, loãng xương…, trong đó nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng rất thường gặp.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bệnh lý tại cột sống, trong đó đĩa đệm – cấu trúc giữa hai thân đốt sống – bị tổn thương làm vòng sợi bao quanh đĩa đệm bị rách, dẫn đến nhân keo bên trong đĩa đệm bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh.

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Bệnh thoát vị đĩa đệm

Nỗi khổ của người bị thoát vị đĩa đệm

Nguyên nhân phổ biến nhất của thoát vị đĩa đệm là sai tư thế trong lao động, sinh hoạt thường ngày của người bệnh như: khiêng vác nặng, cúi người nhấc vật nặng, ngồi cong vẹo cột sống hoặc tập thể dục không đúng cách dẫn đến thoái hóa khớp, trật khớp. Một nhóm nguyên nhân nữa là do quá trình thoái hóa tự nhiên.

Người ta thường có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm do sau 30 tuổi đĩa đệm thường không mềm mại, nhân nhầy bị khô, vòng sợi bên ngoài cũng xơ hóa dẫn đến dễ bị rách. Cuối cùng là do tai nạn chấn thương cột sống.

Hằng năm, khoa cơ xương khớp Bệnh viện Y học cổ truyền (TP.HCM) điều trị hàng trăm bệnh nhân đau thắt lưng, trong đó nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm cột sống chiếm hơn 90%. Căn bệnh này làm người bệnh rất khổ sở.

Ông T.T., 61 tuổi, ở Phước Long – Bình Phước, nhập viện khoa cơ xương khớp Bệnh viện Y học cổ truyền do đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng, chụp MRI chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và được khuyên mổ nhưng bệnh nhân không mổ. Sau đó, ông T. bị đau nhiều vùng thắt lưng lan xuống mông và mặt ngoài đùi trái, đau lan đến mặt ngoài cẳng chân và mắt cá ngoài, đi lại rất hạn chế.

Trong khi đó bà T.H., 64 tuổi, ở Củ Chi – TP.HCM, nhập viện do đau lưng lan xuống mông và hai chân, chân phải đau nhiều hơn chân trái kèm tê mỏi. Trước đó, bệnh nhân điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi, lại bị viêm dạ dày nên không điều trị được.

Điều trị thế nào?

Triệu chứng đau điển hình của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường gặp là đau thắt lưng lan dọc xuống một hoặc hai chân, đau âm ỉ hoặc dữ dội.

Bệnh nhân thường đau theo hai kiểu: một là đau từ thắt lưng lan xuống mông, mặt ngoài đùi, mặt ngoài cẳng chân rồi từ bờ ngoài bàn chân đau lan qua mu bàn chân tới ngón cái (nếu do chèn ép rễ L5); hai là đau từ thắt lưng lan xuống mông, mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân tới gót và xuống lòng bàn chân rồi đến ngón út (nếu do chèn ép rễ S1). Bệnh nhân có thể thấy tê nặng mỏi, có cảm giác kiến bò bên chân đau.

Nếu khối thoát vị chèn ép vào chùm đuôi ngựa (được tạo nên bởi toàn bộ các rễ thần kinh ở dưới chóp cùng của tủy sống, gồm các rễ từ thắt lưng L1 đến rễ cùng S5 và thêm các rễ cụt), bệnh nhân thấy đau hoặc dị cảm một hoặc hai bên vùng thắt lưng, đôi khi đau vùng hậu môn, đáy chậu, mất cảm giác đại tiểu tiện, trường hợp này cần điều trị kịp thời.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng theo y học cổ truyền chia thành hai dạng bệnh chủ yếu. Bệnh cảnh cấp tức là thể phong hàn phạm kinh lạc hoặc khí trệ huyết ứ kinh lạc, bệnh cảnh mãn thường gặp là thể phong hàn thấp tà phạm kinh lạc trên nền bệnh nhân có can thận âm hư.

Với bệnh cảnh cấp và đợt cấp của bệnh cảnh mãn, bệnh nhân cần nằm yên trên giường cứng, kê gối nhỏ dưới khoeo chân cho đầu gối hơi gập lại. Tránh hoặc hạn chế di chuyển.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, bệnh nhân được châm cứu kết hợp vật lý trị liệu. Sau khi giảm đau, bệnh nhân có thể tập vận động trị liệu, dưỡng sinh kết hợp kéo giãn cột sống. Với bệnh cảnh mãn, bệnh nhân được tập vận động, kéo nắn cột sống kết hợp châm cứu.
Ngoài ra, bệnh nhân được cấy chỉ giúp giảm đau. Cả hai thể bệnh, người bệnh có thể được kê thuốc.

Biện pháp phòng ngừa

Chúng ta nên tránh ngồi quá lâu hoặc sai tư thế. Khi khiêng vật nặng, tránh cúi người xuống mà phải hạ hai chân rồi từ từ nâng vật nặng lên và luôn giữ cột sống thẳng. Ngoài ra, nên chú ý giữ lưng thẳng khi đẩy xe lên và xuống dốc, tránh tăng cân, béo phì và điều trị kịp thời các bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, vẹo cột sống. Nên tập thể dục mỗi ngày.
Với người đã có triệu chứng thoát vị đĩa đệm, cần nghỉ ngơi hợp lý, chơi các môn thể thao nhẹ như đi bộ, bơi lội. Tránh các động tác cúi ngửa, nghiêng xoay cột sống quá mức, tránh mang vác trọng lượng trên 5kg và nên chia đều 2 tay.

Có thể bạn quan tâm

chong-mat-hoa-mat

Điều trị chứng hoa mắt chóng mặt đột ngột bằng phương pháp đông y

Bài thuốc y học cổ truyền được nhiều người lựa chọn khi xuất hiện tình trạng hoa mắt chóng mặt đột ngột. Tùy từng thể bệnh mà áp dụng bài thuốc điều trị tương ứng.