Theo y học cổ truyền, ngưu tất tính bình, vào 2 kinh can và thận; được sử dụng trong nhiều bài thuốc sắc cũng như bài thuốc ngâm rượu có tác dụng trị bệnh.
- Thuốc hay trị ho lâu ngày do nhiễm lạnh trong YHCT
- Y học cổ truyền trị ho hiệu quả từ dược liệu trong tự nhiên
- Nấm linh chi – “thượng dược” với những công dụng tuyệt vời
Cây ngưu tất: Vị thuốc hay trong Y học cổ truyền
Tác dụng của ngưu tất trong y học hiện đại và y học cổ truyền
Trong các nghiên cứu của y học hiện đại, rễ ngưu tất có saponin, chất nhầy và một số muối của kali. Những chế phẩm từ ngưu tất có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ huyết áp, giảm cholessterol trong máu, rất phù hợp với bệnh nhân xơ vỡ động mạch.
Ngưu tất còn có tên gọi khác là hoài ngưu tất. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ được thu hái vào mùa đông khi thân lá đã khô héo. Sau khi đào lấy rễ, đem cắt bỏ phần thân trên cổ rễ và rễ con, rửa sạch đất cát, đem phơi rồi bó thành từng bó nhỏ, sau đó tiếp tục phơi cho đến khi da nhăn nheo, đem lăn, xông sinh vài lần, phơi khô, ta được vị ngưu tất có mùi đặc biệt, vị hơi ngọt, màu vàng tro.
Theo Y học cổ truyền Hà Nội, ngưu tất tính bình, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, lợi thấp, chữa cổ họng sưng đau, tiểu tiện sẻn, khó đẻ, chấn thương, ứ máu bầm tím khi dùng sống (ngưu tất rửa sạch, để ráo nước thái mỏng 1-2mm sấy khô). Tác dụng ích khí, bổ can, cường gân cốt, chữa đau mình mẩy, đau lưng, chữa tê thấp, chân tay co quắp. Liều dùng hàng ngày 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Bài thuốc sắc từ vị thuốc ngưu tất
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc sắc theo hướng dẫn của Y sĩ Y học cổ truyền Hà Nội sau đây để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài 1: Xuyên ngưu tất 30g, sắc hai nước, bỏ bã, trộn 2 lần nước đã sắc được lại với nhau và uống. Ngày 1 thang chia 2 lần. Bài thuốc dùng cho người xuất huyết dạ con.
Bài 2: Ngưu tất (chích rượu) 12g, ích mẫu 16g; đào nhân, hương phụ (tứ chế), tạo giác thích (gai bồ kết), uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, mỗi thang sắc 2 lần, trộn 2 nước với nhau, chia ra uống 2-3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn, 14 ngày là một liệu trình. Bài thuốc Y học cổ truyền được dùng trong trường hợp bế kinh, khi có kinh đau bụng.
Bài 3: Ngưu tất, tang ký sinh, phòng phong, độc hoạt, ý dĩ, tục đoạn, đương quy, thục địa, đảng sâm, bạch thược, mỗi vị 12g; tần giao 10g; xuyên khung, quế chi, mỗi vị 8g; cam thảo, tế tân, mỗi vị 6g. Bài thuốc rất hiệu nghiệm trong các trường hợp viêm đa khớp dạng thấp. Sắc uống ngày một thang theo liệu trình uống liền 2-3 tuần, nghỉ 1 tuần. Uống trước bữa ăn và tùy theo tình hình cơ thể mà bạn có thể tiếp tục liệu trình mới.
Vị thuốc ngưu tất
Bài 4: Ngưu tất 20g, cam thảo 10g. Sắc uống thay trà. Phù hợp cho người lên sởi có viêm họng.
Bài 5: Ngưu tất 12g, xa tiền tử 12g, thục địa 12g, hoài sơn 12g, đan bì 8g, trạch tả 8g, phục linh 8g, phụ tử chế 8g, sơn thù 8g, nhục quế 4g. Tất cả đem thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Đây là bài thuốc rất được ưa chuộng trong giới YHCT dùng để điều trị bí tiểu tiện ở người cao tuổi.
Bài 6: Ngưu tất, bạch truật, mỗi vị 12g, cỏ nhọ nồi 12g; bán hạ (chế), phục linh, hương phụ, trần bì, mỗi vị 8g. Ngày uống một thang và dùng liền 2-3 tuần là một liệu trình. Bài thuốc phù hợp cho các trường hợp rong kinh.
Thuốc bột ngưu tất: Ngưu tất, tiên hạc thảo, đại giả thạch, lượng bằng nhau. Tất cả đem nghiền chung thành bột. Mỗi lần uống 10g, ngày 1-3 lần. 10 ngày là 1 liệu trình. Bài thuốc tốt cho người hay chảy máu cam.
Cháo ngưu tất: thân cây và lá ngưu tất (khô) 20g sắc lấy nước, bỏ bã nấu với 100g gạo lứt, ăn nóng, ngày 2-3 lần. 10 ngày là một liệu trình. Bài thuốc phù hợp với người bị đau lưng mỏi gối, viêm đau khớp, phong hàn tê thấp, các khớp xương không ổn định.
Tuy nhiên thầy thuốc, giảng viên Trung cấp Y học Cổ truyền Nguyễn Hữu Định đặc biệt lưu ý đến học viên và bạn đọc: vị thuốc ngưu tất trong bài thuốc là vị thuốc Bắc thường dùng nhập khẩu từ Trung Quốc và chúng hoàn toàn khác với ngưu tất nam (Achyranthes aspera L.) còn gọi là cây cỏ xước. Mặc dù cả hai đều có công dụng chữa đau xương khớp, lợi tiểu, hạ huyết áp,… nhưng ngưu tất tác dụng mạnh hơn nên liều dùng ngưu tất chỉ cần 6-12g/ngày, trong khi cỏ xước phải tới 12 – 40g/ngày. Theo đó, người tỳ vị hư hàn, hoạt tinh, khí hư, mộng tinh, di tinh, phụ nữ mang thai không được dùng.