Cây vối thường được biết đến như là nguyên liệu dùng để nấu nước uống giúp thanh nhiệt, tuy nhiên cây vối theo Đông y còn làm được nhiều điều tuyệt vời hơn nữa.
- Quế – Vị thuốc Đông y giúp ổn định đường huyết ở người đái tháo đường
- 5 công dụng tuyệt vời từ tỏi đen
- Bài thuốc Đông y trị đau nhức răng, ê răng hiệu quả
Những nghiên cứu theo Đông y và y học hiện đại về cây vối
Cây vối thường được dùng để lấy lá và nụ để nấu nước uống có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa và chống đầy bụng. Hoa vối thường nở thành chùm đan vào nhau, hoa thường nở vào mùa xuân, còn quả vối thì có màu đỏ thẫm giống với quả bồ quân, vị hơi chát và đắng.
Theo Đông y, cây vối có vị chát, đắng, tính mát, có ít độc; tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ. Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng có trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú tại ống tiêu hóa.
Y học hiện đại đã nghiên cứu và phát hiện trong lá và nụ vối chứa tannin và acid triterpenic, khoáng chất và vitamin… Với một lượng đậm đặc nước lá vối có thể dùng như kháng sinh chữa mụn nhọt, lở loét, ghẻ. Các hoạt chất trong nụ vối (chủ yếu là polyphenol) có khả năng ức chế hoạt tính men alpha-glucosidase, làm chậm quá trình phân giải đường, làm chậm quá trình hấp thu đường từ thức ăn vào máu. Vì vậy sẽ hạn chế việc tăng và kiểm soát đường huyết lâu dài.
Một số bài thuốc y học cổ truyền dân gian trị bệnh từ lá vối
Chữa đau bụng đại tiện lỏng: Lá vối (khô) 3g, vỏ ổi rộp (khô) 8g, nụ chuối tiêu10g. Sắc với 400ml nước còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 – 3 ngày.
Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng, đi ngoài phân sống: Sử dụng 200g lá vối tươi, rửa sạch, nghiền nhỏ, cho vào 2 lít nước sôi. Sau 1 giờ thì lấy ra uống.
Trị đầy bụng, ăn không tiêu: Vỏ thân cây vối 8g, sắc kỹ lấy nước đặc, chia 2 lần, uống trong ngày. Hoặc nụ vối 15g, sắc lấy nước đặc, chia 3 lần, uống trong ngày.
Hỗ trợ trị bệnh tiểu đường, giảm mỡ máu: Nụ vối 20g, sắc hoặc hãm lấy nước uống thay trà hàng ngày.
Viêm gan, vàng da: Dùng rễ 200g mỗi ngày, nấu sắc uống.
Trị viêm da mẩn ngứa, chốc đầu: Lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm và gội đầu .
Lưu ý: Lá vối tươi có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn rất cao vì vậy nên sử dụng lá vối khô thay vì sử dụng lá tươi để tránh tiêu diệt vi khuẩn có lợi. Đối với từng thể trạng mỗi người, nên sử dụng nước lá vối đúng lượng để đạt hiệu quả nhất.