Bên cạnh tác dụng dùng quả để ăn hay nấu canh, cây nhót còn có tác dụng làm thuốc điều trị bệnh. Trong đó, tất cả các bộ phẩn của cây nhót đều có thể được dùng làm thuốc.
- Tìm hiểu những tác dụng của vị thuốc đông y hạt mã tiền
- Thầy thuốc đông y chia sẻ những tác dụng của hạt Đười ươi
Quả nhót
Cây nhót: Công dụng và liều dùng
Trong đông y, cây nhót có tên là hồ đồi. Mỗi bộ phận của cây nhót đều có những đặc điểm và công dụng riêng. Theo thầy thuốc YHCT – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur:
Quả nhót: Quả nhót vị chua, chát, tính bình; có tác dụng chỉ huyết (chống chảy máu), thu liễm, chỉ khái bình suyễn, điều trị rối loạn tiêu hóa, ho suyễn, kiết lỵ, băng huyết, trĩ lở loét, sán khí. Liều dùng: 9-15g.
Rễ cây nhót: Sau khi được phơi khô, dược liệu có vị chua, tính bình; công dụng chỉ huyết (cầm máu), chỉ khái (chống ho), tiêu tích trệ, trừ phong, lợi thấp, lợi yết hầu; điều trị các chứng bệnh ho suyễn, khạc ra máu, kinh nguyệt quá nhiều, tả lị, đại tiện ra máu, thổ huyết, phong thấp sưng đau, hoàng đản (vàng da), trẻ nhỏ cam tích, yết hầu sưng đau…
Liều dùng: 9-15g khô (hoặc 30-60g tươi) sắc với nước hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài sắc nước rửa chỗ bị bệnh (eczema).
Lá nhót: Lá nhót tính bình, vị chua, điều trị các chứng ho, ho ra máu, hen,khó thở, ung nhọt…
Liều dùng: 9-15g khô (hoặc 20-30g tươi).
Bài thuốc y học cổ truyền điều trị bệnh từ cây nhót
Y sĩ Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn nguồn từ báo SK&ĐS, giới thiệu một số bài thuốc y học cổ truyền điều trị bệnh từ cây nhót như sau:
Điều trị các chứng ho: Lá nhót tươi 60g, sắc với nước, thêm chút đường vào uống trong ngày.
Điều trị hen phế quản, viêm khí quản mạn tính: Lá nhót, tỳ bà diệp, mỗi vị 15g; sắc nước uống.
Điều trị hen phế quản do nhiễm lạnh: Rễ cây nhót 30g, đường đỏ 15g; sắc nước uống sau bữa ăn.
Điều trị hen suyễn: Lá nhót sao vàng, tán mịn; ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 4g, dùng nước cơm để chiêu thuốc; liên tục trong 15 ngày là một liệu trình.
Hoặc Lá nhót tươi 100g; sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày, liên tục trong 10-15 ngày.
Bài thuốc y học cổ truyền điều trị bệnh từ cây nhót
Điều trị ho ra máu do lao phổi: Lá nhót tươi 24g, đường 15g; dùng nước sôi hãm như hãm trà; ngày uống 2 lần, sau bữa ăn.
Điều trị chứng phế suyễn: Lá nhót sao vàng, tán mịn; mỗi lần uống 8g, chiêu thuốc bằng nước cơm.
Trị nôn ra máu, băng kinh (kinh nguyệt quá nhiều), đại tiện ra máu: Rễ cây nhót 30g, sắc uống sau bữa ăn.
Sản hậu phù thũng: Rễ nhót, ích mẫu thảo, mỗi vị 12g; sắc nước uống.
Yết hầu sưng đau, khó nuốt: Rễ cây nhót 30g sắc với nước uống.
Trị phong thấp sưng đau: Rễ cây nhót 120g, chân giò 500g, hoàng tửu 60g, đổ nước vào nấu kỹ, thành món chân giò hầm; ăn thịt và uống nước thuốc.
Điều trị chứng hoàng đản (vàng da): Rễ nhót 18g đem sắc nước uống.
Côn trùng đốt, ong đốt, rắn cắn: Lá nhót tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt hòa với rượu uống, còn bã đem đắp vào nơi tổn thương.
Thuốc dùng ngoài, trị nhọt độc, các vết thương chảy máu: Lá nhót tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh.
Lưu ý, những thông tin trên mang tính chất tham khảo và không thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của thầy thuốc/bác sĩ. Hãy đến bệnh viện nếu nhận thấy sức khỏe không tốt.
Nguồn: Báo SK&ĐT – Y sĩ y học cổ truyền tổng hợp