Quả vải là loại trái cây thơm ngon, được trồng phổ biến tại Việt Nam. Không chỉ là thức quả được nhiều người yêu thích, vải còn là vị thuốc chữa bệnh được ông cha ta sử dụng từ xa xưa.
- Tìm hiểu những tác dụng của vị thuốc đông y hạt mã tiền
- Thầy thuốc đông y chia sẻ những tác dụng của hạt Đười ươi
Cây vải
Đôi nét về quả vải và công dụng
Tên gọi khác: lệ chi.
Tên khoa học: Litchi sinensis Radlk. (Nephellium litchi Cambess, Euphoria litchi Desf). Thuộc họ Bồ hòn Sapindaceae.
Đây là loại cây được trồng phổ biến tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia khác: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, phía bắc Ấn Độ, theo giảng viên Cao đẳng Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.
Về công dụng, theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, áo hạt được dùng ăn và làm thuốc từ lâu đời.
Trong tài liệu cổ, áo hạt có vị chua, ngọt, tính bình hay ôn, không có độc; có tác dụng làm hết phiền khát, tiêu thũng, nuôi huyết, điều trị các bệnh mụn nhọt, làm cho đậu mọc dễ, ăn nhiều đẹp nhan sắc. Tuy nhiên trong tác giả cổ cũng có tác giả lại nói rằng ăn nhiều sẽ phát nhiệt, đau răng và chảy máu cam (Mậu Hy Ung và Hoàng Cung Tú). Liều dùng: Ngày dùng 10-16g áo hạt khô.
Theo tài liệu cổ, hạt vải (lệ chi hạch) có vị ngọt, chát, tính ôn, không có độc; có tác dụng thấp kết khí, tán hàn, có tác dụng trị âm nang sưng đau (thoát vị); tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Liều dùng: Ngày dùng từ 4-8g dưới dạng bột hay sắc uống.
Bên cạnh đó, hoa, vỏ thân và rễ của cây vải cũng được dùng làm thuốc trị viêm họng, đau răng, bằng cách sắc lấy nước súc miệng.
Công dụng và 8 bài thuốc trị bệnh hay từ quả vải
8 bài thuốc y học cổ truyền trị bệnh hay từ quả vải
Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh, một số bài thuốc hay từ vải mà độc giả có thể tham khảo và sử dụng trong những trường hợp cần thiết:
Bài 1: Buồn nôn, đau bụng: Đem hạt vải nướng chín, bóc vỏ ngoài ăn với số lượng khoảng 6 – 8g/lần. Ngày dùng 2 lần.
Bài 2: Đau dạ dày: Hạt vải 3g đem hạt vải nướng chín, bóc vỏ ngoài, mộc hương 2g. Tán bột mịn, uống với nước ấm. Ngày dùng 2-3 lần.
Bài 3: Đau bụng kinh hoặc đau bụng sau sinh: Hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ 40g tán bột mịn, ngày dùng 6-8g uống với nước cơm hoặc nước muối loãng. Ngày dùng 2 lần.
Bài 4: Phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ) như kim châm: Hạt vải đốt tồn tính, thái phiến, sao đen, đại hồi vi sao đồng lượng (4-8g) tán bột mịn, uống với rượu ấm, ngày dùng 3 lần. Uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.
Bài 5: Sán khí ở nam giới (thoát vị bẹn, viêm đau tinh hoàn): Hạt vải đốt tồn tính, thái phiến, sao vàng, quất hạch (hạt quýt) sao vàng, tiêu hồi (sao qua). Cả 3 vị đồng lượng, tán bột mịn, uống với nước ấm, ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần dùng 6-8g.
Trường hợp dùng là trẻ em thì cần giảm liều theo tuổi.
Ngoài ra cũng có thể chỉ dùng riêng hạt vải đốt thành than, hòa vào rượu uống, liều dùng 4-6g. Hoặc lấy hạt vải đốt thành than, trần bì, đồng lượng 10g, sao vàng, lưu huỳnh 3g. Dùng dưới dạng bột mịn. Chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 6: Tiêu chảy do tỳ hư: Quả vải 7 quả, đại táo 5 quả. Sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Bài 7: Trị nấc: Quả vải 7 quả, gừng tươi 6g, đường đỏ 4g. Sắc uống.
Bài 8: Răng sưng đau: Quả vải xanh, thêm ít muối ăn hoặc đốt tồn tính, tán mịn, xát vào chân răng.
Lưu ý từ cố vấn Y sĩ Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho lời khuyên của thầy thuốc/bác sĩ.
Nguồn: Báo SK&ĐT – Y sĩ y học cổ truyền tổng hợp