Dưỡng sinh và dưỡng đức là hai phạm trù không thể tách rời trong Đông y, đồng thời cũng là điều quan trọng để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
- Những trường hợp nào không được sử dụng tỏi đen?
- Biện pháp giúp con thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng
- Bệnh nhân suy thận giai đoạn đầu nên ăn uống như thế nào?
Dưỡng sinh và dưỡng đức có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời trong Đông y
Dưỡng sinh và dưỡng đức
Đa số mọi người khi nhắc đến dưỡng sinh sẽ nghĩ ngay đến các bài tập thể dục dưỡng sinh như thái cực quyền, thiền, tĩnh tọa,… Tuy nhiên khái niệm dưỡng sinh trong Đông y không đơn thuần là vấn đề sinh lý, đó là khoa học tổng hợp bao gồm rất nhiều lĩnh vực như triết học, kinh tế, chính trị, nghệ thuật, có thể nói dưỡng sinh bao gồm cả dưỡng tính và dưỡng đức.
Theo quan niệm của Đông y, sức khỏe và tuổi thọ không chỉ liên quan đến các hoạt động sinh lý trong cơ thể con người. Sức khỏe và tuổi thọ có tương quan mật thiết với đời sống xã hội và hoàn cảnh tự nhiên. Do đó nguồn gốc hình thành Đông y dựa trên mô hình “tự nhiện – sinh học – tâm lý – xã hội”. Cơ thể con người chính là một phần của tự nhiên và được nhìn nhận như một hệ thống mở. Các hoạt động sống gắn liền với những biến đổi của môi trường sinh thái và hợp thành một thể thống nhất mà trong Đông y gọi là thiên nhân hợp nhất. Đây chính là lời giải cho các bài thuốc Y học cổ truyền từ thời xa xưa mà đến bây giờ các bác sĩ và Y sĩ Y học cổ truyền vẫn hay áp dụng.
Sức khỏe và tuổi thọ ảnh hưởng bởi đời sống xã hội và hoàn cảnh tự nhiên
Dưỡng sinh bất như dưỡng tính (dưỡng sinh không bằng dưỡng tính)
Trong Y học cổ truyền, dưỡng sinh là điều trọng yếu của việc phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, kiềm chế lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Dưỡng sinh gồm nhiều nội dung cùng hệ thống thực hành khác nhau có vai trò quan trọng nhưng phần lớn các y sư thời xưa đều cho rằng: “Dưỡng sinh bất như dưỡng tính”. Dưỡng tính ” thuộc phạm trù “tình chí” trong Đông y học và tương ứng với phạm trù “vệ sinh tâm lý” trong y học hiện đại. Trên thực tế bao quát cả vấn đề tu dưỡng đạo đức, di dưỡng tinh thần, cùng toàn bộ đời sống tình cảm của mỗi con người.
Trong “dưỡng tính”, người xưa chú trọng nhất tới 2 phương diện: “Điều nhiếp tình chí” và “Tu dưỡng đức hạnh”. Do sự biến động của tình chí và đạo đức có liên quan hết sức mật thiết tới sức khỏe tâm thần của mỗi con người. “Tình chí” được Đông y quy nạp thành “thất tình” bao gồm: hỷ (vui), nộ (tức giận), ưu (lo lắng), tư (nghĩ ngợi), bi (buồn), khủng (sợ hãi), kinh (sửng sốt quá mức). “Thất tình” hình thành dưới tác động, những kích thích của các nhân tố từ bên ngoài; là phản ứng của cơ thể về phương diện tâm lý cũng như sinh lý. Trong những tình huống thông thường, chúng không gây nên bệnh. Nhưng khi những kích thích và phản ứng nói trên quá mạnh hoặc quá lâu dài, hoặc là cơ thể quá mẫn cảm, thì bệnh tật có thể phát sinh: quá vui thì hại “tâm”, tức giận thì hại “can”, nghĩ ngợi quá nhiều làm hại “tỳ”, u buồn thì hại “phế”, sợ hãi thì hại “thận”…
Dưỡng tính, nghĩa là điều nhiếp tinh thần và tình cảm. Phép tắc quan trọng nhất trong điều nhiếp là giữ cho tình chí được trung hòa; tức là giữ cho tinh thần và tình cảm ở trạng thái cân bằng. Làm được như vậy thì “chân khí” không bị nhiễu loạn, lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa, “tà khí” từ bên ngoài không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy mà bệnh tật không thể phát sinh, cơ thể được khỏe mạnh và tuổi thọ kéo dài.
Dưỡng tính điều nhiếp tinh thần, tránh cho chân khí nhiễu loạn, kéo dai tuổi thọ
Trong “dưỡng tính”, việc tu dưỡng đức hạnh còn quan trọng hơn. Người thông hiểu dưỡng sinh, lấy tu dưỡng đức hạnh làm đầu và phối hợp với điều dưỡng thân thể. Có đức hạnh thì tâm lý được bình an, ý chí không bị rối loạn. Nhờ vậy mà khí huyết điều hòa, bệnh tật không thể phát sinh. Như Tôn Tư Mạc (581-682) đã nhận định: “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh… Còn như đức hạnh chưa hoàn thiện, thì có uống đủ các thứ “kim đan ngọc dịch”, cũng không thể kéo dài tuổi thọ”. Bản thân Tôn Tư Mạc suốt cả cuộc đời đã kiên trì tu thân và di dưỡng đức hạnh, nên đã có tuổi thọ trên 100 tuổi, trăm tuổi vẫn khỏe mạnh sáng suốt, tiếp tục chữa bệnh cứu người, nghiên cứu y thuật và viết sách.
Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và bệnh tật không thể phát sinh.
Dưỡng tính, dưỡng đức là vấn đề được Đông y coi trọng từ xưa và cũng là vấn đề có tính thời sự hiện nay. Trong tương lai, chắc rằng dưỡng tính và dưỡng đức sẽ ngày càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân loại.
Nguồn: ysiyhoccotruyen.com